Đi tour du lịch tháng 12 bạn sẽ không bao giờ quên cảm xúc tuyệt vời và tận hưởng mùa lễ hội đặc sắc cuối năm khắp nơi trên thế giới.
Mùa lễ hội đặc sắc cuối năm của các nước trên thế giới:
Hagoita Ichi, Tokyo, Nhật Bản
Đất nước mặt trời mọc có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ mỗi năm và tháng 12 là thời điểm mọi người tập trung về Sensoji hay còn gọi là Asakusa Kannon trong quận Asakusa, Tokyo. Ngôi chùa cổ nhất thủ đô sẽ là nơi tổ chức lễ hội truyền thống Hagoita-Ichi diễn ra từ 17 đến 19/12. Đừng quên mua những cây vợt gỗ để làm kỷ niệm bạn nhé.
Hornbill Festival, Nagaland, Ấn Độ
Đang tìm kiếm những nét văn hóa mới lạ, mời bạn đến lễ hội Hornbill ở Nagaland, vùng đất cao nguyên phía đông bắc Ấn Độ nổi tiếng với các bộ tộc có trang phục độc đáo. Bên cạnh bàn tay thủ công khéo léo, họ còn là những người biểu diễn âm nhạc và vũ điệu rất quyến rũ. Trong tuần đầu tiên của tháng 12, du khách tìm về nơi rẻo cao này để tham gia những ngày hội ca múa hát cùng các bộ tộc bản địa hay làm khán giả của cuộc thi marathon, triển lãm ảnh, đua xe địa hình
Krampusfest, Los Angeles, Mỹ
Đây là thời điểm lý tưởng để chìm trong không khí của Krampusfest diễn ra từ 5 đến 21/12 tại thành phố Bắc Mỹ nằm bên bờ Đại Tây Dương. Những ai sợ ma quỷ không nên tham gia lễ hội này? Không, ngược lại đằng khác. Krampus vốn là loài quỷ trong các câu chuyện dân gian của châu Âu gắn liền với thánh Nicholas khi cùng đi phát quà trong đêm Noel và trừng phạt những đứa trẻ hư. Lễ hội kéo dài hơn 2 tuần này gồm nhiều hoạt động phong phú như Krampus Run (12/12), Krampus Ball (7/12), Krampus Rumpus (21/12). Những ngày này, đừng ngạc nhiên nếu bạn bất ngờ bắt gặp đoàn diễu hành toàn quỷ hay chuẩn bị tinh thần đối mặt với những ác quỷ trưng bày trong các cửa hàng.
Festival of Angels, York, Anh
Thành phố York ở Vương quốc Anh chuyển mình vào đông với lễ hội của những thiên thần trong 2 ngày 14-15/12 và tất cả đều miễn phí. Du khách sẽ tha hồ ngắm những khối điêu khắc băng, vui chơi trên đường phố với âm nhạc và ẩm thực phong phú.
Mùa lễ hội cuối năm tại Việt Nam
Du lịch Sapa
Sapa mỗi mùa trong năm đều có những nét đẹp rất riêng và đặc trưng, nếu như mùa xuân Sapa tựa như một cô thiếu nữ đang ở độ xuân sắc với màu hoa rực rỡ có ở khắp mọi nơi thì đến mùa hạ Sapa lại tỏa ngát mùi hương của những cánh đồng lúa hút tầm mắt thì đến những ngày mùa đông nơi đây lại khoác lên mình một bộ choàng của những bông hoa tuyết trắng phủ đầy trên những đỉnh núi.
Đặc biệt nhất, đến Sapa vào tháng 12 du khách sẽ có cơ hội được tham gia vào lễ hội mùa đông, kéo dài từ ngày 22 – 24/12 và từ 29 – 31/12. Điểm mới của lễ hội năm nay là sẽ có thêm Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ…
Du lịch Đà Lạt
Đà Lạt có lẽ là một trong số ít những địa điểm của Việt Nam mà du khách chẳng cần lựa chọn thời gian để du lịch. Tuy nhiên, nếu là lần đầu hay đã đến “xứ sương mù” đôi ba lần thì tháng 12 chính là thời điểm tuyệt vời, khi được tham gia Festival hoa Đà Lạt.
Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội sẽ có rất nhiều chương trình hay và đặc sắc như: Đêm hội rượu vang Đà Lạt; không gian hoa; trưng bày triển lãm hoa, cây cảnh quốc tế; phiên chợ rau, hoa; đêm hội tơ – trà…
Lễ hội Gò Tháp – Đồng Tháp Mười
Lễ hội Gò Tháp – Đồng Tháp Mười là lễ hội văn hóa được tổ chức vào ngày 16/3 và 16/11 âm lịch hằng năm, thường rơi vào khoảng tháng 12 đến tháng 1 dương lịch. Đây là lễ hội đặc sắc và quy mô nhất của người dân vùng Đồng Tháp Mười.
Tham dự lễ hội này, du khách sẽ được thăm quan các di tích cổ Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ… và hòa mình vào không khí lễ hội dân gian với nhiều trò chơi, chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và các loại trái cây đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ.
Lễ hội Mừng lúa mới của người Êđê
Đồng bào dân tộc Ê-đê và các dân tộc Tây Nguyên như Gia Rai, Ba Na, Xơ-đăng, M’Nông…theo phong tục truyền thống hằng năm, sau mùa gặt hái từ cuối tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau, sẽ tổ chức lễ hội Mừng lúa mới hay còn gọi là lễ hội Mùa xuân.
Trong dịp này, các gia đình người Ê-đê sẽ làm lễ ăn cơm mới dâng lên trời đất, thần lúa, tổ tiên để cảm tạ và cầu mong mùa màng bội thu. Sau đó, các già làng sẽ chủ trì nghi thức cúng lễ trong buôn làng để cầu mưa thuận, gió hòa và sức khỏe cho mọi người.
Lễ hội Mừng lúa mới diễn ra trong 7 ngày đêm đem đến không khí rộn ràng, náo nhiệt đến khắp các buôn làng với tiếng chiêng, tiếng trống vang cả núi rừng. Ngoài các hoạt động trên, người Ê-đê còn có các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc như kể sử thi, thổi kèn đing năm, đing Ktút, múa chim grứ, hát dân ca…
Mừng lúa mới là một lễ hội truyền thống của người Êđê cũng như các dân tộc Tây Nguyên, là dịp để cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi, tận hưởng thành quả sau một năm lao động vất vả.
Ngoài ra lễ hội này còn có ý nghĩa nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn của dân tộc và có ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường,…